Thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân - Mẹo làm bài điểm cao

Ngày đăng: 06:16 25/05/2021

Sau khi nhận đề thi tốt nghiệp THPT, học sinh nên chọn làm câu dễ trước để đảm bảo đạt tối đa số điểm (vì đối với bài thi trắc nghiệm, các câu hỏi khó hay dễ đều có thang điểm như nhau). Các em cần đọc qua một lượt tất cả câu hỏi, xem câu nào dễ, quen thuộc, từng làm rồi thì khoanh ngay vào đáp án trong phiếu trả lời.

Thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân - Mẹo làm bài điểm cao

Sau khi đã chắc chắn chọn đáp án đúng cho những câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, học sinh bắt đầu đọc và nghiên cứu tìm câu trả lời cho các câu hỏi ở mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao.

Các em chú ý phân bố thời gian hợp lý, không nên bỏ sót câu hỏi nào, trường hợp không biết chính xác đáp án thì hãy dùng phương án phán đoándự báo, loại trừ... để trả lời. Đó cũng là một cơ hội dành cho thí sinh.

Ví dụ 1:

Cá nhân tự mình đưa ra những sáng chế nhằm cải tiến kỹ thuật và ứng dụng vào đời sống xã hội là thực hiện quyền nào sau đây của công dân?

A. Sáng tạo

B. Điều phối

C. Thanh tra

D. Thẩm vấn

Với câu hỏi này, nếu không biết chính xác đáp án, các em có thể dùng phương án loại trừ, "quyền đưa ra những sáng chế" thì không thể là điều phối, thanh tra, thẩm vấn mà phải là "sáng tạo".

Học sinh phải tìm và gạch chân từ khóa vì mỗi câu hỏi đều có từ khóa thể hiện nội dung yêu cầu phải trả lời, chính là mấu chốt để thí sinh giải quyết vấn đề. Từ đó, các em định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ khóa ấy.

Ví dụ 2:

Việc cá nhân đóng góp ý kiến xây dựng đề án định canh, định cư ở địa phương là thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân ở phạm vi nào sau đây ?

A. Cả nước

B. Quốc gia

C. Cơ sở

D. Lãnh thổ

Từ khóa của câu hỏi là "ở địa phương", học sinh dễ dàng loại trừ các phạm vi cả nước, quốc gia, lãnh thổ. Sau đó các em tập trung nhớ lại kiến thức đã học về phạm vi thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân: Cả nước và cơ sở. Từ đó, học sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng là C.

Với các câu hỏi tình huống, học sinh cần lưu ý điểm sau:

+ Đọc kỹ câu hỏi, thường ở cuối phần dẫn, để tránh phần dẫn của câu làm cho bị rối; sau đó xác định vấn đề câu hỏi đề cập đến.

+ Đọc kỹ phần dẫn để xác định nội dung liên quan đến câu hỏi: Các chủ thể vi phạm (hoặc không vi phạm pháp luật); các hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý.

+ Loại trừ những chủ thể, hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý mà câu hỏi không đề cập đến và cuối cùng là chọn đáp án đúng.

Trong quá trình này, các em chú ý nên gạch chân những dữ liệu quan trọng.

Ví dụ 3:

Ông C là cựu chiến binh, anh V là chủ quán karaoke và anh Q, em trai anh V, là cảnh sát giao thông cùng sống trên một con phố. Do ông C nhiều lần phê bình anh V mở nhạc quá to sau thời gian quy định nên giữa hai nhà xảy ra mâu thuẫn.

Một lần, trong ca trực cùng đồng nghiệp là anh A, phát hiện ông C điều khiển ôtô trong tình trạng say rượu, anh Q đã đề nghị anh A lập biên bản và ra quyết định xử phạt ông C theo quy định. Những ai sau đây vi phạm pháp luật hành chính?

A. Ông C, anh V và anh A

B. Anh V và anh A

C. Anh V và ông C

D. Ông C, anh A và anh Q

Câu hỏi này yêu cầu học sinh xác định chủ thể vi phạm pháp luật hành chính. Các em thực hiện các bước: Đọc kỹ câu hỏi để xác định vấn đề câu hỏi đề cập đến; loại trừ những chủ thể không vi phạm, cuối cùng là chọn đáp án đúng.

Trong câu hỏi này thì sẽ loại phương án A, B và D vì cả ba phương án đều có anh A không vi phạm. Như vậy, phương án đúng chỉ còn C (anh V mở nhạc quá to sau thời gian quy định, còn ông C điều khiển ôtô trong tình trạng say rượu).

Trên đây là một số hướng dẫn giúp học sinh tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới. Môn Giáo dục công dân không khó, lại gắn liền với thực tế, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức lý thuyết cộng thêm hiểu biết từ thực tế là có thể làm bài tốt.

Chúc các em ôn tập thật tốt để đạt được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Nguồn Vũ Thùy Anh - Vnexpress